Thông tin nhanh
Nguồn gốc | Sao chổi 1P Halley |
Điểm phát | Chòm sao Bảo Bình (Aquarius) |
Ngày hoạt động | 19 tháng 4 – 28 tháng 5 |
Số lượng sao băng lúc cực điểm | khoảng 10-20 sao băng mỗi giờ |
Vận tốc sao băng | 44 dặm (66 km) mỗi giây |
Tổng quát
Mưa sao băng Eta Aquarids đạt đỉnh vào đầu tháng 5 hàng năm. Các thiên thạch Eta Aquarid được biết đến với tốc độ rất nhanh của chúng. Những thiên thạch này bay với tốc độ khoảng 148.000 dặm/giờ (66 km/s) trong bầu khí quyển của Trái đất. Các thiên thạch bay nhanh có thể để lại “đoàn tàu” phát sáng (các mảnh vụn nóng sáng sau khi sao băng bay qua) kéo dài trong vài giây đến vài phút. Lúc cực điểm có thể nhìn thấy 30 sao băng Eta Aquarid mỗi giờ.
Mẹo xem
Các Eta Aquarids có thể xem được ở cả bán cầu Bắc và Nam trong những giờ trước bình minh. Bán cầu Nam thích hợp hơn để xem, bán cầu Bắc chỉ xem được khoảng 10 sao băng một giờ. Điều này là do vị trí xem của điểm phát (radiant) từ các vĩ độ khác nhau. Chòm sao Bảo Bình – điểm phát – nơi các thiên thạch của Eta Aquarids xuất hiện – có vị trí ở trên bầu trời Nam bán cầu cao hơn ở Bắc bán cầu. Ở Bắc bán cầu, các thiên thạch Eta Aquarid thường được coi là “earthgrazers”.
Để xem Eta Aquarids, hãy tìm một khu vực cách xa thành phố hoặc đèn đường. Chuẩn bị sẵn túi ngủ, chăn hoặc ghế cỏ. Nằm ngửa, bàn chân hướng về phía đông và nhìn lên trên, nhìn bầu trời càng nhiều càng tốt. Sau khoảng 30 phút trong bóng tối, mắt bạn sẽ thích nghi giúp bạn nhìn thấy sao băng dễ hơn. Hãy kiên nhẫn, buổi biểu diễn sẽ kéo dài đến rạng sáng.
Nguồn gốc
Mưa sao băng Eta Aquarids có nguồn gốc từ các mảnh vụn của sao chổi 1P / Halley. Khi Trái đất cắt qua quỹ đạo của sao chổi Halley, các mảnh vụn này sẽ bị nung đến nóng sáng trong bầu khí quyển và tạo thành Eta Aquarids vào tháng 5 và Orionid vào tháng 10.
Sao chổi Halley mất khoảng 76 năm để quay quanh mặt trời một lần. Lần cuối cùng sao chổi Halley được các nhà quan sát bình thường nhìn thấy là vào năm 1986. Sao chổi Halley sẽ không đi vào bên trong hệ mặt trời nữa cho đến năm 2061.
Sao chổi Halley được phát hiện vào năm 1705 bởi Edmund Halley. Edmund Halley đã dự đoán quỹ đạo của sao chổi thông qua các lần quan sát sao chổi trong quá khứ, cho thấy rằng những lần nhìn thấy này trên thực tế là tất cả cùng một sao chổi. Halley có lẽ là sao chổi nổi tiếng nhất vì nó đã được nhìn thấy trong nhiều thiên niên kỷ. Sao chổi này thậm chí còn được xuất hiện trong tấm thảm Bayeux, ghi lại Trận chiến Hastings năm 1066.
Kích thước của Sao chổi Halley là 10 x 5 x 5 dặm (16 x 8 x 8 km). Nó là một trong những vật thể tối nhất, hoặc ít phản chiếu nhất trong hệ mặt trời, với albedo là 0,03.
Điểm phát biểu kiến
Điểm phát biểu kiến (radiant) là điểm mà sao băng bắt đầu xuất hiện trên bầu trời có thể quan sát được từ nơi chúng ta đứng.
Điểm phát của Eta Aquarids là chòm sao Bảo Bình (Aquarius) – người mang nước. Một trong những ngôi sao sáng nhất trong Bảo Bình là Eta Aquarii cũng là một trong bốn ngôi sao tạo nên đỉnh của “hũ nước”, và những thiên thạch xuất hiện từ khu vực này của chòm sao. Ngôi sao và chòm sao này là nguồn gốc của tên gọi cơn mưa sao băng: Eta Aquarids.
Lưu ý: Chòm sao không phải là nguồn gốc của các thiên thạch. Chòm sao mà mưa sao băng được đặt tên chỉ nhằm hỗ trợ người xem xác định họ đang xem trận mưa sao băng nào vào một đêm nhất định.
Nguồn tham khảo: